Bí quyết chinh phục học bổng tiến sĩ gần 6 tỷ đồng

Bí quyết chinh phục học bổng tiến sĩ gần 6 tỷ đồng

[ad_1]

Thay vì giấu giếm không có kinh nghiệm nghiên cứu và bài báo khoa học, Nguyệt Anh làm nổi bật việc cô đã khắc phục ra sao và chứng minh mình phù hợp trong bài luận.

Phạm Lê Nguyệt Anh, 22 tuổi, sắp tốt nghiệp Đại học Sheffield (Anh) và vừa giành học bổng toàn phần tiến sĩ tại Đại học Pennsylvania State (Mỹ). Nguyệt Anh chia sẻ quá trình chuẩn bị hồ sơ xin học bổng, đặc biệt cách viết bài luận để cải thiện điểm yếu không có kinh nghiệm nghiên cứu, bài báo quốc tế hay hoạt động ngoại khóa.

Xác định bản thân có muốn làm tiến sĩ không

Chương trình tiến sĩ mình nộp kéo dài 5 năm. Do có ý định học lên cao từ sớm nên ngay khi vào đại học, mình đã chuẩn bị tinh thần, duy trì điểm số học tập tốt.

Theo mình, trước nộp hồ sơ, ứng viên nên nghe kinh nghiệm làm tiến sĩ của những anh/chị cùng ngành (hoặc cả khác ngành) đi trước, sau đó tự hỏi bản thân xem đó có phải những gì bạn muốn làm trong 3-6 năm tới không.

Chọn trường (có thể chọn thầy)

Khác với đại học chọn trường là yếu tố quan trọng nhất, làm tiến sĩ thì việc chọn người hướng dẫn và đề tài nghiên cứu là quan trọng hơn cả. Thông thường các trường thứ hạng cao ở Mỹ có hạn học bổng là đầu hoặc giữa tháng 12, nên nếu có ý định học lên tiến sĩ, bạn phải chọn trường và tìm người hướng dẫn từ sớm.

Mình bắt đầu làm hồ sơ từ tháng 11/2020, một tháng trước khi hết hạn nên không nhiều thời gian để chọn lựa. Tuy nhiên, đợt đó mình đang viết Literature Review (tổng quan nghiên cứu) nên phải đọc rất nhiều bài báo liên quan đến chuyên ngành. Khi đọc những bài báo ở tạp chí khoa học lớn và uy tín, mình tìm trường đại học nơi Principle Investigators hay các nghiên cứu viên chính (thường được để tên cuối trong danh sách tác giả) đang làm rồi sau đó tìm chương trình sau đại học và giáo sư hướng dẫn ở trường đó.

Ở Mỹ, đa số chương trình tiến sĩ sẽ cho phép bạn làm ở phòng thí nghiệm khác nhau (thông thường là 3 hoặc có thể hơn) trước khi bạn quyết định chọn thầy hướng dẫn. Do đó, bạn có thể không cần email trao đổi với giáo sư trước. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, liên hệ với giáo sư bày tỏ nguyện vọng trước cũng có lợi.

Nguyệt Anh (phải) tham gia một sự kiện tại Đại học Sheffield (Anh) năm 2019. Ảnh:NVCC.

Nguyệt Anh (phải) tham gia một sự kiện tại Đại học Sheffield (Anh) năm 2019. Ảnh: NVCC.

Chuẩn bị hồ sơ

Do nộp nhiều hơn một trường, mình lập dàn ý chi tiết và trả lời các câu hỏi: Tại sao lại học ngành này? Tại sao muốn làm tiến sĩ và dự định sau khi làm tiến sĩ? Tại sao lại chọn trường này (có thể nhắc đến những người hướng dẫn mình muốn làm cùng ở đây)? Kinh nghiệm nghiên cứu và tại sao bạn nghĩ mình phù hợp để làm tiến sĩ? Các hoạt động ngoại khóa khác.

Với mỗi câu hỏi, mình sẽ viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh. Khi làm hồ sơ, tùy vào yêu cầu của trường mình lắp ráp các đoạn và chỉnh sửa cho phù hợp.

Để trả lời câu hỏi: “Tại sao lại học ngành này và Tại sao lại muốn làm PhD?”, ứng viên có thể bắt đầu với việc liên hệ những gì các bạn đang học (và muốn học) với hiện trạng ở Việt Nam. Mình học về Microbiology (Vi sinh vật học) và quan tâm về vấn đề kháng kháng sinh. Đây là vấn đề lớn đe dọa đến nền y tế của thế giới, đặc biệt ở các nước phát triển như Việt Nam.

Lúc tìm hiểu trường Pennsylvania State, mình đọc các nghiên cứu và biết một giáo sư đang phát triển loại kháng sinh mới. Trong bài luận, mình đề cập đến thực trạng sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi ở Việt Nam và những trải nghiệm, quan sát của bản thân. Mình nhắc đến giáo sư có định hướng giống mình, thể hiện rõ nguyện vọng được tham gia nghiên cứu, chung tay giải quyết vấn đề kháng kháng sinh không chỉ ở Mỹ mà còn cả Việt Nam. Mình trình bày về những nghiên cứu đó và đưa ra ý tưởng có thể đóng góp gì vào dự án.

Về kinh nghiệm nghiên cứu, mình nói sơ lược về dự án tham gia (mục đích và nội dung của dự án là gì), công việc và những điều học được. Điều quan trọng là mỗi khi đưa ra luận điểm nào, bạn nên đi kèm dẫn chứng để thuyết phục hơn.

Sau khi viết, mình nhờ người khác đọc và nhận xét. Việc chọn người nhận xét SOP cũng cần phải hợp lý, sao cho bạn nhận được nhiều phản hồi mang tính xây dựng tích cực nhất.

Điểm học tập và hoạt động ngoại khóa

Điểm học tập là yếu tố quan trọng, quyết định việc ứng viên có nhận được học bổng hay không, nhất là với những hồ sơ không có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, bài báo quốc tế hay hoạt động ngoại khóa như mình. Thời điểm nộp hồ sơ xin học bổng ở Mỹ, mình đạt GPA 4.0.

Hoạt động ngoại khóa không có gì nổi bật nhưng mình nêu rõ cá tính của bản thân qua những hoạt động này. Mình từng tham gia nhóm Women in STEM ở trường để dạy các môn STEM cho học sinh cấp 1, vì muốn ủng hộ sự có mặt của phụ nữ ở trong các ngành STEM – những ngành từng được cho là không dành cho phụ nữ.

Với mỗi hoạt động, mình sẽ kể một câu chuyện và học được gì sau khi tham gia. Đây là phần ứng viên thể hiện cá tính bên cạnh chuyện học hành và tạo nên điểm khác biệt giữa bạn và người khác.

Chuẩn bị cho phỏng vấn

Mình được gọi phỏng vấn ở hai trong 4 trường nộp hồ sơ, là Pennsylvania State University và Tulane University. Ở cả hai trường, mình đều được phỏng vấn bởi 3 thầy/cô hướng dẫn. Các thầy/cô sẽ chia sẻ về những nghiên cứu của mình và cuối cùng mình sẽ đặt câu hỏi với họ.

Giống như phỏng vấn xin việc, ứng viên nên chuẩn bị sẵn những câu hỏi như các mốc thời gian, thông tin về phòng thí nghiệm, ai là người hướng dẫn chính… Việc đặt ra câu hỏi như vậy nhằm để người phỏng vấn thấy bạn đã chuẩn bị kỹ.

Bình Minh (ghi)


[ad_2]
Đọc bài gốc tại đây.
Hãy cập nhập Hội thảo giáo dục thường xuyên để đọc những tin tức mới nhất về hội thảo, tuyển sinh, học bổng và và các tin tức về giáo dục mà bạn yêu thích.
Để lại bình luận của bạn