Các trường ĐH xét điểm bài thi năng lực ra sao ?

Các trường ĐH xét điểm bài thi năng lực ra sao ?

[ad_1]

Tuy nhiên, mỗi trường sẽ có cách thức xét tuyển với những điều kiện điểm số, mốc thời gian nhận hồ sơ khác nhau.

Có trường quy định cả điểm sàn học bạ

Bài thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức có tổng điểm 1.200 và mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển các trường ở những ngưỡng khác nhau trong năm 2021. Trong đề án tuyển sinh dự kiến, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển với thí sinh (TS) phương thức này từ 600 điểm trở lên (tổng điểm bài thi 1.200).

Cấu trúc bài thi năng lực

TS dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ làm một bài thi duy nhất ở dạng trắc nghiệm trên giấy (4 phương án lựa chọn 1 phương án đúng) trong thời gian 150 phút. Bài thi gồm 16 trang, dài 120 câu tương đương 1.200 điểm. Cấu trúc bài thi gồm 3 phần: ngôn ngữ (40 câu); toán học, tư duy logic và phân tích số liệu (30 câu); giải quyết vấn đề (50 câu). Thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM cho thấy, kết quả đợt 1 kỳ thi này năm 2020 có gần 19.800 TS có điểm bài thi trên mức trung bình (trên 601/1.200 điểm), trong số này có hơn 1.500 TS đạt trên 900 điểm.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm nay dành tối đa 5% chỉ tiêu để xét TS bằng phương thức này (tổng chỉ tiêu dự kiến 3.500 TS). Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông nhà trường, điều kiện TS đăng ký xét tuyển vào trường bằng điểm thi năng lực cần đạt từ 650 điểm trở lên. Riêng 3 ngành công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh và quản trị kinh doanh thực phẩm, TS cần đạt từ 700 điểm trở lên.

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM không quy định điểm sàn nhận hồ sơ với phương thức này. Tuy nhiên, theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, trường ưu tiên các TS có điểm thi thuộc tốp 30% TS có điểm cao nhất kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Theo kinh nghiệm các năm trước, TS đủ điều kiện trúng tuyển vào các ngành của trường mức thấp nhất cũng trên 600 điểm.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chưa công bố mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển năm nay. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo trường này, điểm chuẩn các năm trước cho thấy TS trúng tuyển vào trường cần có mức điểm khoảng 700.

Đặc biệt hơn, có trường quy định cả điều kiện kết quả học tập THPT với học sinh tham gia xét tuyển bằng bài thi năng lực. Theo đề án tuyển sinh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, năm nay trường sử dụng kết quả kỳ thi này xét 240 chỉ tiêu các ngành chương trình chuẩn và 90 chỉ tiêu ngành chương trình chất lượng cao. Trong đó, trường quy định rõ học sinh xét tuyển phải dự thi trong năm 2021 với tổng điểm bài thi từ 700 trở lên. Bên cạnh đó, các TS tham gia xét tuyển còn phải có điểm trung bình học tập học kỳ 1, học kỳ 2 năm lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 6,5 trở lên (tức học lực khá trở lên trong 3 học kỳ – PV). Trong trường hợp đồng điểm, trường xét thêm tiêu chí phụ là điểm trung bình cộng điểm học tập của 3 học kỳ trên.

Đăng ký tối đa bao nhiêu nguyện vọng ?

Theo danh sách thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 do ĐH này tổ chức hiện có 69 đơn vị đăng ký sử dụng kết quả để xét tuyển một phần chỉ tiêu. Trong đó, riêng khối ĐH Quốc gia TP.HCM có 10 đơn vị xét tuyển bằng điểm bài thi, trong đó có nhiều trường thành viên dành hàng ngàn chỉ tiêu cho phương thức này.

Theo phương án tuyển sinh đã công bố, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM dự kiến tuyển 3.600 chỉ tiêu năm nay, trong đó dành khoảng 30 – 60% chỉ tiêu cho xét điểm thi năng lực (tương đương 1.080 – 2.160 TS). Trường ĐH Kinh tế – Luật cũng dành tối đa 50% tổng chỉ tiêu các ngành để xét tuyển điểm kỳ thi này.

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tuyển 5.000 TS trong năm 2021, trong đó dành tối đa 70% cho xét điểm thi năng lực, tương đương 3.500 TS. Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cũng dành tối đa 50% chỉ tiêu xét kỳ thi này. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM dự kiến tuyển tối đa 50% chỉ tiêu bằng phương thức này. Trường xét TS tốt nghiệp THPT năm 2021 trở về trước nhưng có kết quả thi năng lực được tổ chức trong năm 2021 (tức không sử dụng kết quả thi năm 2020 trở về trước để xét tuyển).

Theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, TS sử dụng kết quả thi năng lực để xét tuyển vào các trường trong cùng hệ thống được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào 1 đơn vị (không giới hạn số lượng đơn vị). Tuy nhiên, các nguyện vọng có phân biệt thứ tự, TS được trúng tuyển nguyện vọng cao nhất. Trong đề án tuyển sinh đã công bố một số trường thành viên thông báo rõ quy định này.

Trong khi một số đơn vị ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM có những quy định khác về cách nộp hồ sơ xét tuyển. Chẳng hạn, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho phép TS được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào trường nhưng chỉ trúng tuyển nguyện vọng có thứ tự ưu tiên cao nhất. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM thì không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển, trong khi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho phép TS đăng ký tối đa 5 nguyện vọng vào trường.

Ngay cả quy định cộng điểm ưu tiên khi xét bằng điểm thi năng lực cũng khác nhau tùy trường. Trường ĐH Nha Trang năm nay xét 25% chỉ tiêu tất cả các ngành bằng kết quả thi này, tuy nhiên trường không tính điểm ưu tiên khu vực và đối tượng cho TS xét tuyển theo phương thức này. Trong khi đó, nhiều trường khác tính điểm ưu tiên theo cách quy đổi tương ứng.


[ad_2]
Đọc bài gốc tại đây.
Hãy cập nhập Hội thảo giáo dục thường xuyên để đọc những tin tức mới nhất về hội thảo, tuyển sinh, học bổng và và các tin tức về giáo dục mà bạn yêu thích.
Để lại bình luận của bạn