Muốn apply học bổng tiền tỷ của Đại học Mỹ, bạn nhất định phải biết về những kỳ thi chuẩn hóa này
Tại Mỹ, có 5 kỳ thi “đặc sản” mà bất cứ ai muốn học đại học, cao học phải lựa chọn để “kinh qua”: SAT, ACT, GMAT và GRE. Kết quả của những kỳ thi này sẽ nói lên năng lực về ngôn ngữ, kỹ năng phản biện, tư duy logic,… của thí sinh. Để đạt được điểm số cao trong các kỳ thi này, bạn phải trải qua quá trình ôn luyện khá vất vả vì những câu hỏi đều khá hóc bứa và yêu cầu tư duy khá. Vì thế, rất nhiều học sinh Việt Nam đã luyện tập kỳ thi SAT, ACT từ lớp 10, lớp 11 để chuẩn bị cho việc học đại học ở Mỹ. Tương tự, nhiều sinh viên từ năm 2 đã “lao đầu” vào ôn GMAT, GRE với mong muốn chuẩn bị cho hành trang học cao học sau khi tốt nghiệp đại học của mình.
SAT (Scholastic Assessment Test)
- Thời lượng: 3-4 tiếng
- Thang điểm: 1600
- Bao gồm 3 phần: Đọc hiểu (critical reading), Toán (math) và Viết (writing).
- Điểm được sử dụng bởi: Hầu hết các trường đại học, cao đẳng tại Mỹ
Đây là bài thi khá quen thuộc cho bất cứ học sinh trung học nào muốn theo đuổi con đường học đại học tại Mỹ. Bên cạnh hai phần đọc hiểu và viết khá “khoai”, phần toán trong SAT thường là lợi thế của du học sinh Việt Nam bởi kiến thức toán học tại chương trình của chúng ta được đánh giá là khó hơn so với Mỹ khá nhiều. Mới đây, trang Bussiness Insider đã chỉ ra top 50 trường có điểm trung bình SAT đầu vào của sinh viên cao nhất. Cụ thể, trường Công nghệ California đang dẫn đầu với số điểm 1544. Các trường top đầu như Harvard, Georgetown, Princeton,… cũng đều có điểm SAT đầu vào lớn hơn 1400. Vì thế, nếu muốn học trường top ở Mỹ, bạn nên ôn tập SAT ngay từ hồi lớp 10 hoặc 11.
ACT (American College Testing)
- Thời lượng: 215 phút
- Bao gồm 5 phần: Anh văn, Toán, Đọc hiểu, Khoa học, Viết
- Thang điểm: 36 (Anh văn, Toán, Đọc hiểu, Khoa học) và 12 (Viết)
- Điểm được sử dụng bởi: Hầu hết các trường đại học, cao đẳng tại Mỹ
Một học sinh chuẩn bị du học Mỹ sẽ lựa chọn giữa một trong hai kỳ thi SAT và ACT để làm tấm vé thông hành vào hệ đại học. Phần Anh Văn gây khá nhiều khó khăn cho học sinh Việt Nam, vì kiến thức của kỳ thi này có 3 phần (cấu trúc, ngữ pháp, dấu câu), trải dài về cả kiến thức nền tảng lẫn chuyên sâu của người học Ngoại ngữ. Phần Khoa học cũng đòi hỏi 3 lĩnh vực tư duy khá khó: trình bày dữ liệu, tóm tắt nghiên cứu, quan điểm đối lập. Nếu muốn theo học những trường đại học top đầu tại Mỹ, bạn phải sở hữu điểm ACT trên 30/36. Ví dụ: Viện Công nghệ Massachusetts, đại học Stanford, đại học Harvard…
GRE (Graduate Record Examinations)
- Bao gồm: Viết luận, Ngôn ngữ và Toán học
- Thời lượng: 60 phút (Viết luận), 60 phút (Ngôn ngữ) và 35 phút (Toán học)
- Thang điểm: 0-6 (Viết luận), 130-170 (Ngôn ngữ) và 130-170 (Toán học)
- Điểm được sử dụng bởi: Hệ sau đại học (Master hoặc PhD) ở các chuyên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội (trừ Y, Dược và Luật) tại Mỹ
Trái với các kỳ thi trên, GRE không quy định thứ tự của hai bài thi sau (ngôn ngữ và toán học). Việc chấm điểm của GRE cũng sẽ không dưạ trên sự đúng sai của câu trả lời, mà dựa trên độ khó của câu hỏi thí sinh nhận được. Vì vậy, cấu trúc bài thi mang tới cho thí sinh cơ hội hoàn thành các phần một cách thoải mái hơn. Một trong các yếu tố quan trọng đối với ai muốn học cao học tại Mỹ là tư duy phản biện. Mặc dù có câu hỏi trắc nghiệm ngôn ngữ khá dài (tầm 500 chữ), bạn chỉ có trung bình hơn 1 phút để hoàn thành. Vì thế, điều đầu tiên bạn cần làm khi bắt đầu luyện GRE là nắm chắc các lỗi ngụy biện (fallacy).
GMAT (Graduate Management Admission Tests)
- Bao gồm: Viết luận, Toán học và Ngôn ngữ
- Thời lượng: 60 phút (Viết luận), 75 phút (Toán học) và 75 phút (Ngôn ngữ)
- Thang điểm: 0-6 (viết luận) và 200-800 (tổng điểm phần Toán học và Ngôn ngữ)
- Điểm được sử dụng bởi các trường: Hệ cao học chuyên ngành quản trị kinh doanh (MBA) tại Mỹ.
Tương tự với GRE, phần Ngôn ngữ và Viết luận của GMAT đòi hỏi khá nhiều về mặt tư duy phản biện. Bạn nên trang bị cho mình kiến thức tổng quan và chuyên sâu về các lỗi ngụy biện trước khi tập trung ôn luyện GMAT. Bên cạnh đó, vì dành cho ngành Quản trị kinh doanh nên nếu bạn không định theo đuổi nghề này, đừng dại dột mà tham gia thi GMAT. Độ khó của kỳ thi này cũng tương tự với GRE, vậy thì tại sao không cho bản thân mình nhiều cơ hội hơn? Đó là còn chưa kể, rất nhiều hệ cao học chuyên ngành Quản trị kinh doanh đã chấp nhận chứng chỉ GRE.
Để lại bình luận của bạn
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.